Đề xuất dùng gói 120.000 tỷ hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn
BÀI LIÊN QUAN
Chiêu quảng cáo độc lạ của môi giới bất động sản thời nắng nóng đỉnh điểm: “Bán chung cư tại nơi không bao giờ lo mất điện”Nghịch lý về dự án NOXH: Nơi bán rẻ gần 30 lần vẫn chưa hết, nơi cả ngàn người xếp hàng tranh suất mua dù giá caoBản tin BĐS 23/5/2023: Những “ông lớn” bất động sản tuyên bố mở bán dự án NƠXH trong năm nayKhó hấp thụ
Ngày 1/4, gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân mua nhà ở xã hội. Theo đó, gói lãi suất này giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại. Dự kiến, chương trình giải ngân sẽ đến hết 2030. Tuy nhiên, nói về gói hỗ trợ này, nhiều chuyên gia và người dân bày tỏ sự ghi nhận đối với các động thái của cơ quan chức năng. Nhưng, họ cũng cho rằng, với mức hỗ trợ như trên, gói tín dụng này rất khó khả thi.
Mới đây, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Theo HoREA, thực tế cho thấy, với mức lãi suất 8,2%/năm, thời gian ưu đãi chỉ là 5 năm, gói tín dụng này không hấp dẫn đối với người vay. Nhiều doanh nghiệp, người dân tỏ ra “đói vốn”, “khát tiền” nhưng vẫn không mặn mà.
Theo HoREA, sau 2 tháng triển khai, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết chưa phát sinh dư nợ bởi chưa có người vay. Lý do là người dân thấy mức lãi suất quá cao, thời gian ưu đãi thấp, trong khi các doanh nghiệp cũng đang bị vướng các thủ tục pháp lý tại dự án họ đang muốn đầu tư.
“Hiện Ngân hàng Chính sách Việt Nam cũng đang tồn gần 11.000 tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội. Nếu tính suất vay bình quân 600 triệu đồng/căn, với nguồn vốn 11.000 tỷ đồng, Ngân hàng chính sách xã hội còn có thể cho khoảng 18.000 người vay để mua NOXH. Nếu có nguồn cung NOXH thì người mua, thuê chắc chắn sẽ lựa chọn vay ưu đãi 4,8%/năm tại Ngân hàng chính sách xã hội, nên gói tín dụng 120.000 tỷ đồng có thể bị 'ế'", văn bản của HoREA nhấn mạnh.
Lo lắng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ không phát huy tối đa hiệu quả, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng xem xét dành một phần gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay nhưng có triển vọng phục hồi, phát triển trở lại.
Bởi theo HoREA, đây là những đối tượng rất cần nguồn vốn để sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu lại sau những năm phải vừa làm vừa chống chọi với Covid-19.
Việc gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó hấp thụ là điều đã được dự báo trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, mục đích của gói 120.000 tỷ đồng giống như gói 30.000 tỷ đồng cách đây 10 năm trước. Tuy nhiên, mức ưu đãi khác nhau dẫn đến gói 120.000 tỷ đồng khó có phát huy hiệu quả mang tính chất đột phá.
Mới đây, tại các địa phương, hiệp hội các doanh nghiệp cũng lên tiếng về việc gói 120.000 tỷ đồng rất khó hấp thụ. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng vừa có văn bản khẳng định gói 120.000 đồng hỗ trợ việc phát triển nhà ở xã hội rất khó để doanh nghiệp và người dân tiếp cận được. Bởi vẫn vấn đề cốt lõi là lãi suất quá cao, thời gian ưu đãi ngắn.
Ông Nguyễn Nhật Phan, Giám đốc Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ Xanh cho rằng, sẽ rất ít doanh nghiệp dám vay gói 120.000 tỷ đồng trong thời điểm này. Bởi hiện nay, thị trường bất động sản đang đi xuống. Nếu xác định vay thời điểm này doanh nghiệp sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro từ việc trả nợ. Với tình cảnh này, kể cả dự án có triển khai được thì tỉ suất lợi nhuận từ bán sản phẩm cũng chỉ nhỉnh hơn lãi vay một chút. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp làm không công, không lãi.
Lo ngại về tính khả thi
Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) tỏ ra rất băn khoăn về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng. Bởi Đại biểu này nói rằng, hai gói tín dụng trước đó cũng đang trong tình trạng giải ngân rất thấp.
Theo Đại biểu Trần Vị Vân, chỉ trong 1 năm đã có 3 gói hỗ trợ và hướng đến người thu hưởng chính là công nhân lao động. Điều này đã thể hiện cho sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ đối với người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Tuy nhiên, cũng cần phải rất quan tâm đến việc hấp thụ các gói hỗ trợ này.

Vị ĐBQH đoàn Bắc Ninh dẫn chứng, 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 hiện đang giải ngân rất thấp. Gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1%; gói 15.000 tỷ được trên 34%. Vì vậy, bà Trần Thị Vân đặt câu hỏi liên quan đến tính khả thi của gói 120.000 tỷ đồng khi các gói tín dụng trước chưa thể hấp thụ được hết.
Cách đây gần 1 tháng, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) đã trao đổi với báo chí rằng, hiện chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng. Ông Bắc giải thích rằng, gói tín dụng này rất khó giải ngân vì nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, lý do này chỉ là một phần.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Công ty R&D DKRA Group cho rằng, nguy cơ gói 120.000 tỷ đồng bị "ế" là có. Bởi khi thủ tục cấp phép cho các dự án nhà ở xã hội bị chậm sẽ để mất thời gian còn hiệu lực giải ngân. Ông Thắng đánh giá, gói tín dụng này phù hợp với doanh nghiệp hơn là người dân. Tuy nhiên, một điều rất khó cho việc giải ngân là các doanh nghiệp đang phải chờ hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Ở góc nhìn vĩ mô hơn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa phát sinh dư nợ, chưa có ai vay tính đến giữa tháng 5 có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải nói đến việc các ưu đãi không phù hợp với cho vay phát triển, mua nhà ở xã hội. Bởi lãi suất 8,2% là quá cao đối với người mua nhà. Thứ hai, khi thời gian ưu đãi ngắn, người dân và các doanh nghiệp sẽ lo lắng đến việc vỡ phương án tài chính nếu sau 5 năm lãi suất sẽ thả nổi. Và điều cuối cùng mới là pháp lý của các dự án đang bị vướng.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói rằng, ngay từ lúc Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói tín dụng này nhiều chuyên gia đã nói rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và giờ khó khăn đó đã hiện hữu trong việc giải ngân. Các doanh nghiệp rất khát tiền để phát triển dự án nhưng chắc chắn cũng phải dè chừng, cân đo, đong đếm chi li khi muốn vay gói này.