Xử lý các dự án chậm tiến độ, bỏ hoang để gia tăng nguồn cung bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Cải tạo chung cư cũ, thiết lập diện mạo mới thủ đôTháo gỡ mạnh hơn nữa thị trường bất động sảnBất động sản suy giảm kéo dài, môi giới tìm cách vượt khóHàng loạt dự án bị chậm tiến độ, bỏ hoang
Tại Hà Nội, không khó bắt gặp hàng chục các khu đô thị với hàng trăm các căn biệt thự, nhà phố dù đã được hoàn thiện nhưng vẫn trong tình trạng bỏ hoang, cỏ mọc, xuống cấp vẫn treo biển cho thuê và rao bán ở các quận huyện như Nam Từ Liêm, Hà Đông, Hoài Đức,… Đa phần những khu dự án này chưa có nhu cầu ở, nếu có thì cũng không thể ở vì nhếch nhác, chưa hoàn thiện, thậm chí rơi vào tình trạng xuống cấp ngày càng tăng.
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, hiện nay có khoảng 1.000 dự án bất động sản trên toàn quốc đang đợi được điều chỉnh, xem xét và phê duyệt. Giá trị tổng của các dự án này ước tính khoảng 800.000 tỉ đồng (tương đương 30 tỉ USD). Nếu những dự án này được kích hoạt trở lại, chúng sẽ tạo ra một thị trường mạnh mẽ và thúc đẩy tình hình kinh tế.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều dự án bị chậm tiến độ, bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, nhìn lại năm 2008 khi Quốc hội quyết định mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội đã đặt ra phải có những điều chỉnh quy hoạch sao cho phù hợp. Trong khi trước đó đã có nhiều dự án tại những khu vực ranh giới này, buộc phải điều chỉnh lại quy hoạch vì thế mà xuất hiện nhiều dự án bỏ hoang.

Ông Chính chia sẻ thêm, vấn đề về mặt pháp lý, luật chồng chéo và liên tục có nhiều vấn đề nảy sinh và cần sửa đổi, bổ sung khiến cho các dự án bị vướng mắc trong khâu hoàn thiện thủ tục hành chính làm chậm tiến độ xây dựng. Bên cạnh đó, những dự án lớn lên tới hàng chục, hàng trăm hecta buộc phải thực hiện giải phóng mặt bằng, tuy nhiên việc này còn phức tạp và kéo dài do liên quan đến dân cư, kinh tế - xã hội, tài chính,… gây khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, năng lực của các nhà đầu tư cũng là một trong những yếu tố khiến các dự án bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang. Những nhà đầu tư có đủ điều kiện làm thì họ thấy khó khăn không làm hay có những nhà đầu tư “chây ì”, không đảm bảo tài chính khiến cho dự án không được thực hiện đúng tiến độ. Cùng với đó là trách nhiệm của chính quyền quản lý cấp quận, huyện, thành phố chưa đủ mạnh mẽ để thực hiện, còn nhiều thiếu xót, bất cập làm chậm việc triển khai dự án.

“Các dự án bị chậm tiến độ hoặc bỏ hoang đã làm lãng phí quỹ đất, đất đai không được sử dụng hiệu quả trong khi đây là tài nguyên quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục quản lý không tốt khiến các dự án bị bỏ hoang lâu dài như vậy sẽ càng gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây ra nhiều hệ lụy. Đặc bệt là đối với Thủ đô của một đất nước, thì không gian kiến trúc cần phải được chú trọng chứ không thể để nhem nhuốc như vậy”, ông Chính nhận định.
Giải pháp nào để xử lý điều này?
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng các dự án bị chậm tiến độ hay bỏ hoang, nhất là đối với "đất vàng" trong trung tâm thành phố Hà Nội thì trong thời gian tới cần triển khai thực hiện các dự án, cần phân loại vị trí để vừa đảm bảo chức năng quy hoạch, đồng thời đảm bảo lợi ích chung của Nhà nước.
KTS. Trần Ngọc Chính cho rằng, cần tiếp tục tháo gỡ những rào cản về mặt pháp lý, đặc biệt là hệ thống pháp luật về nhà ở, đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư, phát triển đô thị,… được sớm sửa đổi, bổ sung thống nhất với nhau. Tiếp nữa là siết chặt khâu quản lý quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ cho diện mạo thủ đô Hà Nội.

“Từ phía các chủ đầu tư khi được giao dự án phải thực hiện dự án có tâm, phải hiểu biết pháp luật và chuẩn bị đầy đủ tài chính để thực hiện dự án têo đúng mục đích, thời hạn đã được phê duyệt. Cần xem xét có những thỏa thuận đền bù sao cho ổn thỏa, phù hợp cho người dân để công tác giải phóng mặt bằng dễ dàng được thực hiện”, ông Chính nói.
Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, hàng loạt các dự án chuẩn bị đầu tư hay chờ phê duyệt nhưng không được chấp thuận do luật pháp chồng chéo. Điều này đã gây ra vấn đề thiếu nguồn cung trầm trọng cho thị trường, nhiều dự án không đủ điều kiện để triển khai.
“Chúng ta phải tổng rà soát các dự án, cương quyết thu hồi đối với những dự án không còn năng lực tài chính hay năng lực kĩ thuật để thực hiện. Đối với những dự án đủ điều kiện thực hiện thì cần phê duyệt sớm để gia tăng nguồn cung. Rõ ràng chúng ta cần cấp thiết rà soát, quá trình này phải do các cơ quan trung ương thực hiện”, ông Võ nêu.

Bên cạnh đó, ông Võ cho hay, phải triển khai quy hoạch đồng bộ, đẩy nhanh các dự án đầu tư công phát triển hạ tầng. Các chủ đầu tư cần có trách nhiệm trong việc thực hiện hoàn chỉnh hạ tầng dự án, đảm bảo đủ điều kiện để hình thành cộng đồng dân cư, đảm bảo chất lượng không gian sống.
Ông Võ nhấn mạnh, sau khi rà soát, phân loại các dự án thì cũng phải tìm ra những đối tượng, cán bộ nào có trách nhiệm từ cấp thấp đến cao để kiểm điểm. Bởi không có trường phạt thì hệ thống chính quyền sẽ không thể vững mạnh được, điều này giúp tránh tình trạng lãnh phí của công.
Thậm chí, nếu có biểu hiện “kết dính” giữa chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương thì có sự góp mặt của Bộ Công an để làm rõ các vấn đề. Điều này sẽ khắc phục được tài nguyên đất đai tránh bị bỏ hoang và tạo ra nguồn cung cho thị trường bất động sản nhà ở, công nghiệp, dịch vụ,… Từ đó góp phần cân đối cung cầu ở tất cả các phân khúc thị trường bất động sản.