meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Vẫn nhiều tranh cãi quanh ngưỡng nợ thuế từ 10 – 100 triệu đồng bị hoãn xuất cảnh

Thứ sáu, 13/12/2024-21:12
Ngưỡng nợ thuế 10 triệu đồng cho cá nhân và 100 triệu đồng cho doanh nghiệp sẽ bị cấm xuất cảnh đang gây tranh cãi, với cả ý kiến ủng hộ và phản đối.

Dự thảo nghị định đang lấy ý kiến của Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và chủ hộ kinh doanh có nợ thuế quá hạn trên 120 ngày, với số tiền từ 10 triệu đồng; người đại diện pháp luật của các doanh nghiệp, hợp tác xã là 100 triệu đồng trở lên. Dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2025.

Góp ý dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, ngưỡng nợ thuế này quá thấp và không hợp lý. Còn phía doanh nghiệp lại cho rằng, nếu áp dụng mức này sẽ gây khó khăn và đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế lên 200 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp.

Hoãn xuất cảnh chỉ nên là lựa chọn cuối cùng

Cũng theo VCCI, hiện cơ quan thuế đã sử dụng nhiều biện pháp cưỡng chế, bao gồm trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị, hoặc kê biên và bán đấu giá tài sản. VCCI cho rằng, việc ưu tiên áp dụng những biện pháp cưỡng chế này sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt và liên kết dữ liệu ngân hàng ngày càng phổ biến. Việc áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh nên là lựa chọn cuối cùng.

Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020, các cơ quan thuế có quyền tạm hoãn xuất cảnh đối với những cá nhân hoặc đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Bộ Tài chính cũng trích dẫn một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia và Mỹ đã áp dụng chính sách hạn chế xuất cảnh đối với các cá nhân nợ thuế lớn và kéo dài.

hoan-xuat-canh-1734024655.jpg

hoan-xuat-canh-1734024655.jpg

VCCI đề xuất nâng ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh lên 200 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp

Theo VCCI biện pháp cấm xuất cảnh chỉ nên áp dụng trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, khi số nợ thuế lớn và kéo dài. Hầu hết các trường hợp, người đại diện doanh nghiệp đi công tác nước ngoài không phải để trốn thuế mà để thực hiện giao dịch làm ăn, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và đóng thuế.

Đưa ra góc nhìn khác, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet nhận định, mức nợ thuế quá hạn 10 triệu đồng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là hợp lý, tránh gây phiền hà không cần thiết với những khoản nợ nhỏ.

Đối với doanh nghiệp, mức 100 triệu đồng được cho là phù hợp, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì mức này tạo áp lực tuân thủ nghĩa vụ thuế nhưng không quá thấp để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Thời hạn nợ thuế quá hạn trên 120 ngày cũng đủ để người nộp thuế sắp xếp tài chính, hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Phạm Thành Long, Nhà sáng lập Công ty Luật Gia Phạm phân tích, các ngưỡng nợ thuế mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến khá hợp lý trong bối cảnh thực tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, mức này còn thấp, số người có nguy cơ bị ngăn xuất cảnh sẽ rất lớn.

Tại Mỹ, nợ thuế đến 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) mới bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Ở Canada và nhiều nước khác, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chỉ được áp dụng khi các biện pháp khác như thu giữ tài sản, phong tỏa tài khoản ngân hàng không hiệu quả.

Tránh lạm quyền gây lãng phí

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh, ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh nếu quá thấp và thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, mức ngưỡng cần dựa trên cơ sở logic, gắn kết với các quy định pháp luật khác để dễ nhớ, dễ thực hiện, từ đó thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn.

Ông Đức đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu để xác định ngưỡng nợ thuế thay vì con số cố định 10 triệu đồng. Điều này sẽ tránh được việc phải điều chỉnh khi trượt giá hoặc điều kiện thực tế thay đổi.

no-thue-1734024686.jpg

no-thue-1734024686.jpg

Mức ngưỡng cần dựa trên cơ sở logic, gắn kết với các quy định pháp luật khác để dễ nhớ, dễ thực hiện, từ đó thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn

Theo VCCI, việc áp dụng cấm xuất cảnh trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh và giảm thu ngân sách do gián đoạn giao dịch quốc tế. Đồng tình, luật sư Phạm Thành Long cũng cho rằng, cần xem xét kỹ quyền áp dụng biện pháp này để tránh lạm quyền. Hiện nay, nhiều người chỉ biết mình bị hoãn xuất cảnh khi đã ra sân bay, gây lãng phí thời gian và chi phí.

Chia sẻ thêm, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc iViet đề nghị cơ quan quản lý cần thông báo rõ ràng để người nợ thuế biết mình thuộc danh sách cấm xuất cảnh. Ông gợi ý, nên đa dạng hóa phương thức thông báo qua các kênh như eTax Mobile, VNeID, email, SMS hoặc Zalo và tuyên truyền về cách tra cứu thông tin nợ thuế.

Ông cũng đề xuất cơ quan thuế thường xuyên cập nhật và chia sẻ danh sách cấm xuất cảnh với cơ quan xuất nhập cảnh, phối hợp cùng hãng hàng không để kiểm tra thông tin hành khách. Việc này giúp hành khách xử lý nợ thuế kịp thời, tránh lãng phí thời gian và chi phí. Với công nghệ hiện đại, quá trình này có thể được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo người nộp thuế xuất cảnh ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ.

Dự thảo của Bộ Tài chính còn đưa ra quy định cấm xuất cảnh ngay lập tức đối với những người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, mà không cần phải tuân theo ngưỡng nợ thuế. Tuy nhiên, VCCI cho rằng, cần phải bổ sung ngưỡng cụ thể đối với những trường hợp này, như mức 3 triệu đồng, tương đương với lệ phí môn bài cao nhất trong năm, bởi nếu thu nợ trong những trường hợp này sẽ không hiệu quả về mặt chi phí.

VCCI cũng đề nghị cần có quy định rõ ràng về việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất cảnh để tránh những vướng mắc trong thực hiện. Ngoài ra, cơ quan thuế cần nghiên cứu phương án cho phép những người bị tạm hoãn xuất cảnh có thể nộp thuế hoặc tiền tạm ứng ngay tại cửa khẩu, giúp thu hồi nợ nhanh chóng và tạo điều kiện để người nộp thuế được giải quyết biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, từ đó có thể tiếp tục đi lại bình thường.

Quang Đăng
Theo: dothi.reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ngân hàng chạy đua hạ lãi vay: Nhà ở giá rẻ có dễ tiếp cận hơn?

“Sóng ăn theo” đã lan đến nhà tập thể cũ

Diễn biến “lạ” tại thị trường căn hộ phía Nam: Nguồn cung dồi dào nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 10%

Muôn kiểu thoát hàng “ế” của doanh nghiệp bất động sản

Thị trường đấu giá đất: Hết “sốt” nhưng chưa hết lo

Đề xuất bỏ đấu thầu, chỉ định chủ đầu tư NOXH để rút ngắn 500 ngày thủ tục

Hà Nội: Biệt thự triệu đô nhưng giá thuê chạm đáy

Số phận long đong của mặt bằng giá 1 tỷ/tháng tại đất vàng Tp.HCM: Quán của Vạn Thịnh Phát đóng cửa, Chagee đến thuê

Tin mới cập nhật

Tham vọng tìm kiếm IPO tại Mỹ, Meey Group vừa ký kết hợp tác với “cố vấn tài chính” ARC

31/03/2025

Đề xuất không hoàn trả tiền sử dụng đất chênh lệch đã tạm nộp sau xác định lại

31/03/2025

Ngân hàng chạy đua hạ lãi vay: Nhà ở giá rẻ có dễ tiếp cận hơn?

31/03/2025

Đầu tư chung cư ở các tỉnh: Tưởng dễ mà... "khó không tưởng"

31/03/2025

Đề xuất tăng lợi nhuận lên 13% cho doanh nghiệp: Chưa đủ để giải quyết bài toán nhà ở xã hội

28/03/2025