Sổ hồng là gì? Cập nhật những quy định mới nhất về sổ hồng
Sổ hồng là gì?
Sổ hồng là gì? Sổ hồng là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời chứng nhận quyền sử dụng nhà và các tài sản khác trên mảnh đất đó. Giấy được quy định ban hành bởi Bộ Xây dựng. Mẫu giấy cũng được thống nhất theo quy định của Pháp luật, tại Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mang màu hồng đặc trưng.

Cụ thể, theo Khoản 6 Điều 3 ở Luật đất đai, pháp luật quy định sổ hồng là chứng thư giúp Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản khác của chủ sở hữu.
Trên thực tế, từ 10/12/2009, theo Nghị định 88/2009/NĐ-CP, người sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở cùng các tài sản khác sẽ được cấp một mẫu giấy chung là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do vậy, đối với chủ sở hữu từ sau thời điểm trên chỉ có một loại giấy tờ thống nhất, không phân biệt sổ hồng hay sổ đỏ.
Sổ hồng và sổ đỏ khác gì nhau?
Trước khi Nghị định 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực, sổ hồng và sổ đỏ là hai loại giấy tờ khác nhau. Dưới đây là bảng so sánh sổ đỏ và sổ hồng giúp người dân dễ dàng nhận biết:
Tiêu chí | Sổ hồng | Sổ đỏ |
Tên gọi | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất | Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất |
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng | Bộ Tài nguyên và Môi trường |
Chủ thể được cấp | Chủ sở hữu được sử dụng đất và nhà ở, các tài sản khác gắn liền với đất | Chủ sở hữu có quyền sử dụng đất |
Ý nghĩa | Xác nhận quyền sở hữu của cá nhân, hộ gia đình đối với đất và nhà ở, tài sản gắn liền với đất | Xác nhận quyền sở hữu Xác nhận quyền sở hữu của cá nhân, hộ gia đình đối với đất |
Loại đất | Đất đô thị | Đất nông thôn, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu làm muối, đất dùng để nuôi trồng thủy hải sản |
Màu sắc | Màu hồng | Màu đỏ |
Như vậy, sổ hồng và sổ đỏ trước khi được thống nhất đều có giá trị pháp lý, mục đích riêng, dành cho từng loại đối tượng sở hữu cũng như tài sản.
Đối với việc mua bán các tài sản nhà đất có giấy tờ được ban hành trước 10/12/2009 khiến nhiều người đặt ra nghi vấn: "Nên mua nhà có sổ đỏ hay sổ hồng?", “Sổ hồng hay sổ đỏ có giá trị hơn?”. Giá trị của sổ phụ thuộc vào giá trị của mảnh đất, nhà cũng như tài sản đi kèm. Ví dụ: Vị trí đất, diện tích đất, số lượng tài sản... Do vậy, việc mua bán tài sản không nên quan trọng sổ hồng hay sổ đỏ, bởi hai sổ có giá trị pháp lý tương đương nhau.

Đặc biệt, với những đối tượng được cấp sổ hồng, sổ đỏ trước 10/12/2009 sẽ không cần thực hiện chuyển đổi sổ mới. Theo Khoản 2 Điều 97 của Luật Đất đai năm 2013:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này.”
Như vậy, người có giấy chứng nhận trước thời điểm Nghị định 88/2009/NĐ-CP thi hành không cần phải xin cấp lại giấy mới, nhưng vẫn được quyền xin cấp mới giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cập nhật mẫu sổ hồng mới nhất
Mẫu sổ hồng mới nhất hiện nay được hiểu là mẫu giấy chứng nhận chung do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp sau 10/12/2009.
Theo Điều 3, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm 4 trang. Bìa có màu hồng cánh sen, nền in hình trống đồng mờ. Kích thước chiều rộng 190mm, chiều cao 265mm.

Các nội dung bên trong được quy định như sau:
Trang 1:
Quốc hiệu
Quốc huy
Tên giấy chứng nhận
“Mục I: Tên người sử dụng đất đai và chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác”
Số seri/Số phát hành Giấy chứng nhận
Dấu nổi do Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng dấu.
Trang 2:
“Mục II: Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, các thông tin về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất
Ngày tháng năm người sở hữu ký và cơ quan cấp giấy ký
Sổ vào sổ cấp Giấy chứng nhận.
Trang 3:
“Mục III: Sơ đồ thửa đất, nhà ở, tài sản”
“Mục IV: Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận”.
Trang 4:
Tiếp tục nội dung của mục IV
Nội dung lưu ý
Mã vạch.
Trang bổ sung:
“Trang bổ sung Giấy chứng nhận”
Số hiệu thửa đất
Số phát hành Giấy chứng nhận
Số vào sổ cấp Giấy chứng nhận
“Mục IV: Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận” (giống với trang 4).
Điều kiện người dân được cấp sổ hồng
Hiện nay, người dân muốn được cấp sổ đỏ, sổ hồng hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cần đáp ứng các điều kiện trong hai trường hợp dưới đây.
Người có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất
Các hộ gia đình hay cá nhân sử dụng đất, nếu có một trong những giấy tờ sau sẽ được cấp sổ và không cần nộp tiền để sử dụng đất.
Giấy tờ về quyền sử dụng đất đai được cấp trước 15/10/1993 bởi Cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm đó
Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất tạm thời được cấp bởi Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc chủ sở hữu có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất và sổ địa chính trước
Có giấy tờ thừa kế hợp pháp, tặng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ bàn giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương
Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua bán nhà ở gắn liền với đất trước ngày 15/10/1993, đã được Ủy ban Nhân dân xã xác nhận đã sử dụng trước ngày 15/10/1993
Giấy tờ thanh lý hoặc hóa giá nhà ở gắn liền với đất; giấy tờ mua nhà nằm trong diện sở hữu của Nhà nước
Các giấy tờ nhà đất được xác lập trước 15/10/1993 theo quy định của Pháp luật.

Người không có giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất
Nếu như đối tượng không có các giấy tờ nằm trong danh sách trên, thì cần có các điều kiện sau đây để được cấp Giấy chứng nhận:
Các đối tượng sử hữu đất trước 1/7/2014 (ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực), có hộ khẩu thường trú tại địa phương và đang trực tiếp sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối tại vùng điều kiện kinh tế khó khăn/đặc biệt khó khăn. Người dân cần được Ủy ban Nhân dân cấp xã tại nơi có đất xác nhận đã sử dụng ổn định mảnh đất đó, đồng thời không có tranh chấp để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà không cần nộp tiền.
Các đối tượng đang sử dụng quỹ đất không có các giấy tờ quy định nhưng đã sử dụng ổn định đất trước 1/7/2024, không vi phạm về luật đất đai, không gây ra tranh chấp, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và điểm dân cư nông thôn đã được Nhà nước phê duyệt thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cách xử lý khi bị mất sổ hồng
Sổ hồng, sổ đỏ khi bị mất đều có thể được cấp lại thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 77 trong Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cá nhân hoặc hộ gia đình khi bị mất Giấy chứng nhận phải khai báo về Ủy ban nhân dân cấp xã. Sau khi cơ quan tiếp nhận thông tin, sẽ có trách nhiệm niêm yết thông báo sự việc tại trụ sở Ủy ban. Nếu sau 30 không tìm lại được thì đối tượng bị mất giấy cần làm hồ sơ đề nghị cấp lại.

Theo Khoản 2 Điều 10 trong Thông tư 24/2014/TT-BTNMT hồ sơ xin cấp lại sổ đỏ, sổ hồng bao gồm:
Đơn đề nghị Ủy ban nhân dân xã cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo Mẫu)
Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã đã niêm yết thông báo sự việc mất giấy
Trong trường hợp bị mất do thiên tai và hỏa hoạn thì cần bổ sung thêm giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã về sự kiện thiên tai, hỏa hoạn đó.
Như vậy, bài viết đã giải đáp “Sổ hồng là gì” và cung cấp các thông tin cần biết xung quanh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cá nhân, hộ gia đình đang sở hữu Giấy chứng nhận cần có nghĩa vụ bảo vệ và sử dụng đúng quyền hạn theo sổ./.