Nhà đầu tư trong nước không mặn mà với M&A bất động sản
BÀI LIÊN QUAN
Hoạt động M&A bất động sản kỳ vọng là điểm sáng trên thị trườngChuẩn bị đến thời kỳ đỉnh điểm M&A bất động sản nghỉ dưỡngChuyên gia: M&A bất động sản sẽ bùng nổ trong thời gian tớiM&A bất động sản dược dự báo sẽ nhộn nhịp từ quý III/2023 trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn về vốn, thủ tục pháp lý.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), lĩnh vực này chủ yếu thu hút các nhà đầu tư ngoại. Các nhà đầu tư trong nước hiện rất ít doanh nghiệp có khả năng thu xếp được dòng vốn trong hoàn cảnh thanh khoản kém, chi phí tăng cao và nguồn thu ít.
VARS cho rằng, M&A là phao cứu sinh cho các nhà đầu tư bất động sản trong giai đoạn hiện nay. Các thương vụ hầu hết đến từ các nhà đầu tư trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Doanh nghiệp Việt Nam mặc dù rất muốn tham gia cuộc chơi, nhưng lực bất tòng tâm.
Một số tên tuổi nổi tiếng như Central Retail; Keppel Land, Frasers, WHA đã và đang tiến hành hoạt động M&A trong thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nhà ở, công nghiệp và thương mại.
Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác cũng dành sự quan tâm tới lĩnh vực M&A bất động sản. Có thể kể tới như thương vụ của Keppel (Singapore). Tập đoàn này công bố chỉ khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần hai dự án Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) ở TP Thủ Đức của Khang Điền. Sau khi hoàn tất việc mua bán, Keppel đã sở hữu 49% cổ phần trong hai dự án trên và Khang Điền nắm 51% còn lại. Ngoài hai dự án này, Keppel cũng sở hữu 60% cổ phần ba lô đất có tổng diện tích 6,2 ha tại đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh của CTCP Địa ốc Phú Long.

Một tập đoàn khác cũng của Singapore là CapitaLand cũng đã chi khoảng 1,5 tỷ USD mua lại một phần dự án Ocean Park 3 tại huyện Văn Giang, Hưng Yên hoặc một phần dự án khác ở phía bắc TP Hải Phòng của Vinhomes. CapitaLand cũng mạnh tay chi 716 triệu USD để sở hữu quỹ đất tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, M&A lĩnh vực bất động sản rất được các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam quan tâm. Trong 35 năm kể từ khi thu hút đầu tư nước ngoài, đã có hơn 37.500 dự án đầu tư vào Việt Nam với gần 450 tỷ USD vốn. Trong đó, lĩnh vực bất động sản có hơn 1.100 dự án với mức vốn lên tới hơn 66 tỷ USD. Con số này chiếm 15% tổng số vốn FDI. Bất động sản cũng là lĩnh vực có tổng số vốn thu hút được đứng thứ hai, chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo.
Tính theo quốc gia/ vùng lãnh thổ, có 48 quốc gia đã đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Trong đó, Singapore đứng đầu, theo theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. 45 tỉnh/ thành phố trên cả nước có dự án bất động sản của các nhà đầu tư ngoại. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đứng đầu với tổng vốn đăng ký là hơn 16 tỷ USD. Tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu.
Phân lớn các dự án bất động sản của doanh nghiệp ngoại tịa Việt Nam đều có quy mô lớn, có những dự án lên tới hàng tỷ USD. Hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản trong nước phát triển bền vững.
Dự báo về thị trường M&A bất động sản trong thời gian tới, Chủ tịch VARS ông Nguyễn Văn Đính, cho rằng, lĩnh vực này sẽ tiếp tục sôi động và chất lượng hơn. Một số thương vụ lớn được hoàn thiện khâu thăm dò, khảo sát sẽ chuyển sang các bước đàm phán và ký kết vào cuối năm. Dự báo, cuối năm 2023 thị trường sẽ chứng kiến một số thương vụ lớn.
Khi M&A thành công, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện nguồn cung đang khan hiếm. Quan trọng hơn, dòng tiền đổ vào sẽ thúc đẩy các dự án khởi động, kéo theo tâm lý của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đi lên. Dự báo, các dự án quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024.