meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Đồng Nai phê duyệt đầu tư khu đô thị 72.000 tỷ giữa sông Đồng Nai

Thứ sáu, 31/03/2023-09:03
Khu đô thị Hiệp Hòa có vị trí đắc địa trên cù lao giữa sông Đồng Nai, kết nối trung tâm TP Biên Hòa bằng cầu. Dự kiến diện tích khu đô thị này rộng gần 300 ha, thu hút 31.600 người. 

Đầu tư khu đô thị Hiệp Hòa

Theo Báo Đồng Nai, chiều ngày 28/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa, tại phường Hiệp Hòa (Cù lao Phố). Tỉnh cũng phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất đối với khu đô thị trên để đấu thầu theo quy định pháp luật. 

Trong 300 ha diện tích khu đô thị, có hơn 84 ha đất của dự án, chiếm 28,8%; đất cây xanh hơn 110 ha, chiếm 38,4%; đất hỗn hợp gần 35 ha; đất giao thông 43 ha; đất hạ tầng kỹ thuật 38 ha. Tổng vốn đầu tư cho dự án Khu đô thị Hiệp Hòa là hơn 72.229 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm. Dự kiến thực hiện trong 12 năm, từ 2023 đến 2035, được phân kỳ giai đoạn theo 5 dự án thành phần. 


Một góc Cù lao Phố, nơi dự kiến đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa.
Một góc Cù lao Phố, nơi dự kiến đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa.

Mục tiêu đầu tư Khu đô thị Hiệp Hòa thành khu đô thị, khu phức hợp dịch vụ mới, mật độ thấp khang trang, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp đa dạng hóa các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng.

Theo quyết định, UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND TP Biên Hòa chủ trì, mời thầu thực hiện dự án và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho toàn bộ dự án Khu đô thị Hiệp Hòa. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các bước theo quy định của pháp luật. 

Giữa năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 phân khu A4, phường Hiệp Hòa theo quy hoạch chung TP Biên Hòa. 

Cù lao Phố có tổng diện tích 700 ha, nằm tại cửa ngõ của đô thị Biên Hòa, được bao bọc bởi sông Đồng Nai và sông Cái. Đây là vị trí đắc địa để phát triển và trở thành điểm nhấn quan trọng của không gian đô thị Biên Hòa. 


Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy hoạch khu du lịch sinh thái rừng 

UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã tỉnh phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2021 - 2030 cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (huyện Định Quán). Theo đó, khu vực thực hiện đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có tổng diện tích tự nhiên 18.050 ha. 

Mục tiêu của đề án này là nhằm khai thác tiềm năng môi trường sinh thái tự nhiên của khu rừng một cách hợp lý để phát triển du lịch sinh thái, giải trí, nghỉ dưỡng, giáo dục môi trường. Việc đề án được ban hành nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và nước ngoài đến đầu tư vào du lịch nghỉ dưỡng tại Đồng Nai để tạo nguồn thu, nhằm giảm bớt kinh phí của Nhà đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng. 

Mục tiêu của đề án đặt ra đến năm 2025, sẽ thu hút 330.000 lượt khách đến du lịch nghỉ dưỡng, trong đó, khách nội địa đạt 264.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt 66.000 lượt/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 176 tỷ đồng/năm. Đến năm 2030, thu hút 730.000 lượt khách/năm, trong đó khách nội địa đạt 584.000 lượt/năm, khách quốc tế đạt khoảng 146.000 lượt/năm, doanh thu đạt 460 tỷ đồng/năm.

Đề án cũng đưa ra mục tiêu đến năm 2025, hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực rừng phòng hộ Tân Phú mang lại việc làm cho 1.000 -1.500 lao động địa phương và vùng lân cận. Đến năm 2030 mang lại việc làm cho 1.500 -2.000 lao động.


Du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Các loại sản phẩm du lịch sẽ phát triển tại khu vực này gồm du lịch sinh thái; du lịch thiên nhiên nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng; các dịch vụ giải trí ngoài trời.

Trong khu vực rừng phòng hộ Tân Phú, tỉnh Đồng Nai xác định 13 điểm du lịch, trong đó, huyện Định Quán có 10 điểm, huyện Tân Phú có 3 điểm.

Cụ thể, 10 điểm tại huyện Định Quán, Đồng Nai, gồm: Ao Sen có quy mô quy hoạch hơn 111 ha, diện tích dự kiến xây dựng gần 5,6 ha; Thác Mai có quy mô quy hoạch hơn 55,9 ha, diện tích dự kiến xây dựng hơn 6,17 ha; Thác Trời có quy mô quy hoạch hơn 35,3 ha, diện tích dự kiến xây dựng 3,9 ha; Bàu Nước sôi, quy mô quy hoạch hơn 47,5 ha, diện tích dự kiến xây dựng hơn 6,25 ha; Cầu sa Cá có quy mô quy hoạch hơn 28,6 ha; diện tích dự kiến xây dựng hơn 3,5 ha…

Đề án này cũng xác định 8 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí. Từng tuyến du lịch sẽ được kết nối với các điểm dừng chân khác nhau như Bàu nước sôi - Hang Dơi - Thác Reo - Thác Mai; Bàu nước sôi - Thác Mai; Bàu nước sôi - Ven sông…

Giai đoạn từ 2022 - 2025, cần đầu tư 769 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 cần 2.031 tỷ đồng. Phần lớn số vốn thực hiện đề án là nguồn vốn xã hội hóa, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 đơn vị chủ rừng phòng hộ đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương cho phát triển du lịch sinh thái rừng và dự án du lịch đường sông với những lợi thế tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương và hình thành các sản phẩm du lịch liên kết với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ. Đây là cơ hội để tỉnh Đồng Nai thu hút đầu tư, phát huy tối đa thế mạnh về du lịch với các sản phẩm du lịch quy mô lớn và đẳng cấp quốc tế. 

Bốn đơn vị chủ rừng gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (huyện Long Thành), Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn, huyện Vĩnh Cửu), Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (huyện Định Quán), núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc). Hiện nay, các đơn vị này đang thực hiện các thủ tục xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững và Đề án Quy hoạch phát triển du lịch để mời gọi các nhà đầu tư. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Vướng đủ thứ khi xây nhà ở cho công nhân: HoREA đề xuất thêm cơ chế tháo gỡ

Đề xuất đánh thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản: Lo ngại tính khả thi và nguy cơ đội giá

Cần thay đổi cách nhìn nhận cũ kỹ về nhà ở xã hội

Ủy quyền quyết toán thuế TNCN: Cẩn thận "mất tiền oan"

Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay: Người bán, người mua đều tiện lợi

Hà Nội "chốt hạn" 1 tháng để phân loại toàn bộ nhà công bỏ hoang, lãng phí

Không bắt buộc đổi giấy tờ đất đai sau sáp nhập hành chính

Đề xuất doanh nghiệp được vay với lãi suất ưu đãi dưới 5%/năm để xây nhà ở giá rẻ

Tin mới cập nhật

Tham vọng tìm kiếm IPO tại Mỹ, Meey Group vừa ký kết hợp tác với “cố vấn tài chính” ARC

31/03/2025

Đề xuất không hoàn trả tiền sử dụng đất chênh lệch đã tạm nộp sau xác định lại

31/03/2025

Ngân hàng chạy đua hạ lãi vay: Nhà ở giá rẻ có dễ tiếp cận hơn?

31/03/2025

Đầu tư chung cư ở các tỉnh: Tưởng dễ mà... "khó không tưởng"

31/03/2025

Đề xuất tăng lợi nhuận lên 13% cho doanh nghiệp: Chưa đủ để giải quyết bài toán nhà ở xã hội

28/03/2025