Đẩy nhanh tiến độ vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia
BÀI LIÊN QUAN
Tấn công mạng ngày càng phức tạp: Ra mắt chương trình đào tạo chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhânHoàn thiện cơ sơ dữ liệu, giá bất động sản sẽ "bớt ngáo"?Việt Nam là một trong những thị trường phát triển trung tâm dữ liệu nhanh nhất thế giớiThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 03 ngày 4/2/2025 nhằm đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo chỉ thị, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) được giao nhiệm vụ hoàn thiện, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai tại các đô thị. Mục tiêu của việc này là nâng cao chỉ số tiếp cận, đăng ký và quản lý hành chính về đất đai.
Hơn 480 huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính
Luật Đất đai 2024 đã quy định về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, xác định mô hình hệ thống theo hướng tập trung, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc và phục vụ đa mục tiêu.
Luật cũng làm rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT cũng như UBND cấp tỉnh trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển phần mềm hệ thống, xây dựng cơ sở dữ liệu, đảm bảo đến năm 2025 hệ thống được đưa vào vận hành khai thác. Về mặt kỹ thuật, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai.
Hiện tại, trên cả nước đang triển khai hai mô hình hệ thống thông tin đất đai. Mô hình tập trung áp dụng tại 31/63 tỉnh, chủ yếu sử dụng phần mềm VBDLIS, trong khi mô hình phân tán được triển khai tại 32/63 tỉnh với các phần mềm như ViLIS, ELIS, TMVLIS, DongNaiLIS và SouthLIS.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Trung ương đã hoàn thành bốn dữ liệu thành phần, bao gồm: dữ liệu hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và quốc gia; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu khung giá đất; và dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.
Ở cấp địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đang xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Cụ thể, 484/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với gần 50 triệu thửa đất, phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Toàn bộ 705/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai từ kỳ kiểm kê năm 2019 và đưa vào vận hành thống nhất. Ngoài ra, 325/705 đơn vị cấp huyện đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong khi 300/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn tất cơ sở dữ liệu về giá đất.
Về kết nối và chia sẻ dữ liệu, 63/63 tỉnh, thành phố đã tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó dữ liệu của 462/705 đơn vị cấp huyện đã được đồng bộ. Đồng thời, 49/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện liên thông giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế nhằm xác định nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai.
Đất đai là lĩnh vực bị "than phiền" nhiều nhất
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân nhấn mạnh, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là yếu tố quan trọng trong quản lý Nhà nước, cải cách hành chính và chuyển đổi số. Hệ thống này giúp kết nối liên thông với các bộ, ngành, hỗ trợ Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và nền kinh tế số.
Đặc biệt, việc số hóa dữ liệu đất đai tạo điều kiện cho giao dịch điện tử, minh bạch hóa thông tin và tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất.
Thực tế, quy định và nhiệm cụ đã khá rõ ràng nhưng lâu nay do hạn chế về nguồn lực và hạ tầng, tiến độ triển khai vẫn còn chậm. TRước đó, Bộ TN&MT cũng chỉ ra những vướng mắc như sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư tại nhiều địa phương chưa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng dữ liệu không thống nhất, khối lượng lớn và phức tạp.
Bên cạnh đó, năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở trung ương và địa phương còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo mật, ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai.
Tiến độ triển khai dịch vụ công trực tuyến phụ thuộc lớn vào quyết tâm của các địa phương. Hiện nay, quy trình giải quyết thủ tục đất đai vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện theo hình thức trực tuyến toàn trình. Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới nhất, đất đai là lĩnh vực duy nhất ghi nhận số lượng doanh nghiệp phản ánh về thủ tục hành chính phiền hà ngày càng gia tăng.
Cho biết thêm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký VCCI chỉ rõ khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải là thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài hơn so với quy định. Ngoài ra, cán bộ tiếp nhận chưa hướng dẫn đầy đủ, quy trình xử lý không thống nhất với văn bản niêm yết, và thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất mất nhiều thời gian, giá đất không khớp với quy định.
Để khắc phục những thách thức này, TS. Nguyễn Trần Như Khuê, giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, nhận định rằng việc đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển dữ liệu đất đai nhằm hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Ngày càng có nhiều yêu cầu về dịch vụ công thuận tiện hơn, tích hợp nhiều tiện ích hơn từ phía người dân và doanh nghiệp.
Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu này, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước, vừa tạo nguồn thu ngân sách thông qua việc cung cấp thêm tiện ích từ dữ liệu đất đai. Các địa phương cần đẩy nhanh đầu tư, thuê phần mềm và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai một cách hiệu quả.