Cấp sổ đỏ theo quy định mới không khó
BÀI LIÊN QUAN
Bản tin BĐS BĐS 30/1/2023: Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất việc cấp sổ đỏ, giấy phép xây dựngCắm sổ đỏ lấy tiền mua BĐS “ngộp”: Coi chừng mất cả chì lẫn chàiCầm sổ đỏ vì thua độ, có được báo mất với chính quyền không?Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty luật Pháp Trị) cho biết: Theo các quy định hiện nay, việc cấp sổ đỏ lần đầu khá đơn giản với quy trình, thủ tục rõ ràng, thời hạn rất ngắn. Như tại thành phố Hà Nội, theo bộ thủ tục hành chính mới nhất thì thời hạn này chỉ 20 ngày làm việc.
Tuy vậy cũng tương tự như câu chuyện: Ti vi nói giá thịt lợn giảm, tiểu thương trả lời vậy lên tivi mà mua. Thực tế thời gian để người dân cấp sổ khác xa hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với thời hạn trong văn bản. Một quá trình hành khổ, gian nan, mệt mỏi với người dân khi thực hiện quyền lợi chính đáng của mình.

Một quy trình đã được luật hóa, rất nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể rõ ràng, nhiều công văn đốc thúc đơn giản hóa được đưa ra nhưng vì nguyên nhân gì mà thực tiễn gặp nhiều khó khăn như vậy?.
“Trong hoạt động hành nghề của mình liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người dân khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân mấu chốt. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn này thì mọi khó khăn vướng mắc khác sẽ được giải quyết, được khai thông”, Luật sư Quách Thành Lực chia sẻ.
Theo vị chuyên gia pháp lý, nguyên nhân đó chính là con người, trực tiếp là cán bộ địa chính cấp xã khi giải quyết thủ tục, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ cho người dân. Trạng thái phổ biến đó là thái độ công vụ không nghiêm, không tuân thủ triệt để các quy định pháp luật. Có thể kể đến:
Khi người dân nộp hồ sơ thì không có biên nhận. Khi không có biên nhận thì không có mốc để tính thời hạn giải quyết hồ sơ. Rất nhiều trường hợp vì không có biên nhân nên cán bộ địa chính có vô tình làm mất hồ sơ thì người dân cũng không có căn cứ gì mà đòi quyền lợi.

Khi cán bộ địa chính hướng dẫn giải quyết hồ sơ cấp sổ không dùng văn bản chỉ hướng dẫn bằng miệng là chủ yếu. Khi hướng dẫn bằng miệng thì thường là cảm tính, hời hợt. Hôm nay cán bộ cảm xúc xấu thì hướng dẫn phức tạp, còn khi cảm xúc tốt thì tùy tiện, dễ dãi, thiếu tính pháp lý. Cả hai trạng thái này thường dẫn đến tình trạng người dân khi thực hiện theo thì hồ sơ vẫn chưa đúng, chưa đủ, làm đi làm lại nhiều lần.
Không tuân thủ thời hạn giải quyết thủ tục hành chính, không thông báo tiến độ giải quyết cho người dân. Người dân khi tiến hành thủ tục thường rơi vào trạng thái đợi chờ trong vô vọng, không biết bao giờ có điểm dừng.
Có sự nhũng nhiễu, gây khó khăn để đòi hỏi các lợi ích vật chất từ người dân khi cấp sổ. Vì muốn “nhũng” nên phải “nhiễu” để đạt được lợi ích cá nhân.

Khi một sự việc nắm được nguyên nhân thì sẽ có giải pháp. Trong vấn đề này có rất nhiều giải pháp nhưng với người dân thì chỉ tuân thủ một nguyên tắc đơn giản đó là: Trách nhiệm cấp sổ thuộc về cơ quan chức năng; hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ thuộc về cán bộ công chức; người dân làm theo hướng dẫn đúng pháp luật của của cán bộ công chức.
Từ những thực tế nêu trên, Giám đốc Công ty luật Pháp Trị nêu các giải pháp để người dân thực hiện khi có nhu cầu cấp sổ đỏ:
Nộp hồ sơ xin cấp sổ với các nhóm tài liệu cơ bản: Giấy tờ tùy thân: căn cước công dân, sổ hộ khẩu; giấy tờ thể hiện nguồn gốc đất, quyền sử dụng đất; đơn đề nghị xin cấp theo mẫu.
Khi nộp hồ sơ yêu cầu cán bộ nhận hồ sơ có giấy biên nhận thể hiện ngày nhận, thành phần hồ sơ.
Khi cán bộ hướng dẫn thì đề nghị được hướng dẫn bằng văn bản. Sau khi được hướng dẫn thì người dân làm theo. Nếu nội dung gì không bổ sung được thì đề nghị cán bộ trực tiếp giải quyết hồ sơ hướng dẫn cụ thể và tìm giải pháp.

Sẵn sáng phối hợp với cán bộ hướng dẫn giải quyết những khó khăn vướng mắc đúng thực tế. Tuy nhiên người dân cũng luôn chủ động có ý kiến phản bác, không đồng tình với các yêu cầu vô lý, thiếu căn cứ từ cán bộ công chức. Thái độ mềm mỏng, hai hòa nhưng khi cần thiết phải cứng rắn trước những đòi hỏi phí lý trái pháp luật.
“Với các bước cơ bản trên, chỉ cần một người dân biết đọc biết viết cũng có thể thực hiện được thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho mình. Có nhiều chủ trương chính sách pháp luật tạo điều kiện cấp sổ được ban hành. Tuy vậy để các quy định này đi vào thực tế thì chủ thể trực tiếp là người dân đề nghị cấp sổ phải chủ động, hiểu biết hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi của mình”, Luật sư Quách Thành Lực bày tỏ.
Chậm cấp sổ đỏ so với thời gian quy định trên thực tế cực kỳ phổ biến, thậm chí chậm cấp nhiều tháng hoặc nhiều năm liền. Theo Luật sư Quách Thành Lực, căn cứ Điều 17, Điều 18 và Điều 19 Luật Khiếu nại 2011, thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi chậm cấp Sổ đỏ (nói cách khác là quyết định hành chính, hành vi hành chính) được quy định như sau:
Chủ tịch UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn), Trưởng phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp.
Thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện:
Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.
Có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng phòng và tương đương đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.